Không nên thay đổi chữ đệm (tên lót) của dòng họ

Không nên thay đổi chữ đệm (tên lót) của dòng họ


Trước đây mỗi dòng họ đều có một chữ đệm tên nhất định. Phổ biến nhất là (con trai) đệm chữ Văn. Còn có nhiều chữ đệm khác như Công, Ngọc, Đình, Xuân, Hoàng, Bá... Cũng có gia đình lấy họ mẹ làm chữ đệm tên cho con.

Chữ đệm tên thể hiện được dòng dõi và truyền thống của dòng họ nên trở thành vốn quý của dòng họ, từ chữ đệm tên có thể nhận ra được họ hàng.

Vừa qua đi chắp nối dòng họ Tô ở các tỉnh Nam Bộ, khi tiếp xúc với các chi họ Tô  ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tôi thấy bà con ở đây có cách làm rất hay là khi đặt chữ đệm tên cho một người (con trai) phải tuân theo một quy tắc là lấy chữ đệm (theo đời) trong một bảng chữ do tổ tiên để lại. Có dòng họ dùng bảng chữ đệm 12 chữ, mỗi đời dùng một chữ đệm, hết 12 đời lại quay lại chữ đầu tiên. Xem chữ đệm có thể nhận ra người cùng họ mà còn nhận ra thế thứ của người ấy trong dòng họ. Có dòng họ dùng bảng chữ đệm 28 chữ như họ Tô ở Định Quán - Đồng Nai. Bảng chữ đệm này dùng cho được 28 đời khoảng
7 - 8 thế kỷ. Đặc biệt là các chi họ Tô ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau có bảng chữ đệm 60 chữ có thể dùng cho 60 đời kéo dài đến 2000 năm, nay mới đến đời 31-35. Vì vậy bà con họ Tô ở 3 tỉnh này đã nhận nhau là cùng một họ mà còn phân biệt được là bằng vai hay vai trên, vai dưới.

Chi họ Tô Xuân ở làng Khánh Vân, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội đã mấy trăm năm nay tên con trai chỉ đệm một chữ Xuân. Vì vậy bà con có ý định tìm về Xuân Cầu để xem có mối quan hệ gì với họ Tô Xuân ở đây không.

Họ Tô Đình ở xã Trực Nội, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định từ mấy trăm năm nay vẫn chỉ dùng một chữ đệm là Đình. Đời thứ 5 có 2 cụ theo Nguyễn Công Trứ vào khai khẩn đất ven biển lập ra huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, nay thành một nhánh họ ở thôn Tuân Hoá, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn. Nhánh họ này nếu tính theo quê gốc nay đã đến đời thứ 12, con cháu vẫn dùng một chữ đệm là Đình. Tuy nhiên ngay tại quê gốc là xã Trực Nội thì hiện nay một số ít con cháu lại thay chữ đệm khác cho hay, cho đẹp (?!). Thật là đáng tiếc!

Tôi nghĩ là chi họ nào còn giữ được chữ đệm tên từ ngàn xưa thì nên bảo con cháu giữ lấy di sản quý giá này. Chữ đệm không chỉ nhắc nhở con cháu giữ lấy truyền thống cha ông mà còn giúp ta dù gặp nhau ở nơi chân trời, góc biển nào vẫn nhận ra là người cùng họ.

Tô Bỉnh
Nguồn https://hotocvietnam.org